Từ khi hình thành và bắt đầu sản xuất hóa chất vô cơ quy mô lớn vào giữa thế kỷ 18, công nghiệp hóa chất thế giới đã trải qua một chặng đường dài với nhiều bước thăng trầm. Sau thập niên 1920, quang cảnh ngành công nghiệp hóa chất đã thay đổi với việc nhiều công ty hóa chất sát nhập thành những tập đoàn lớn. Hiện nay, công nghiệp hóa chất sản xuất những sản phẩm đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự chi phối của châu Âu, Nhật Bản và Mỹ trong sản xuất hóa chất. Nhưng năm 2009 Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới và cho đến nay vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh.
Việc châu Âu mất đi vị thế của khu vực sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới có liên quan nhiều đến những bất ổn chính trị và sự suy yếu của Liên minh Châu Âu. Những diễn biến này đã đẩy công nghiệp hóa chất châu Âu rơi vào tình trạng trì trệ trong các năm từ 2000 đến 2017.
Tất nhiên cũng có những nguyên nhân khác góp phần làm mất đi vị thế hàng đầu của châu Âu, trong đó vấn đề chi phí và các chính sách môi trường được xem như những yếu tố quan trọng nhất. Các luật bảo vệ môi trường chặt chẽ đã gây nhiều khó khăn cho các công ty công nghiệp hóa chất tại đây. Mặt khác, chi phí xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất hóa chất tại Trung Quốc hoặc ấn Độ có thể rẻ hơn 40-60% so với ở châu Âu.
Trong khi đó, rất nhiều yếu tố đã giúp cho Trung Quốc trở thành gã khổng lồ mới trong công nghiệp hóa chất toàn cầu, cụ thể là sự sẵn có của các nguồn tài nguyên và công nghệ sản xuất, khả năng cấp vốn nhanh chóng và dễ tiếp cận các nguồn nguyên liệu. Với những yếu tố cơ bản được bảo đảm, công nghiệp hóa chất Trung Quốc đã tiến những bước dài.
Công nghiệp hóa chất toàn cầu trong năm 2019
Công nghiệp hóa chất thế giới đã trải qua năm 2019 đáng chú ý. Với sự hiện diện rõ rệt của Trung Quốc, thị trường hóa chất toàn cầu đã rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Trong khi đó, cạnh tranh ngày càng tăng cũng không có tác dụng giảm nhẹ tình hình. Mặt tích cực của vấn đề này là nhu cầu nguyên vật liệu cũng gia tăng cùng với sự phát triển của thị trường Trung Quốc. Điều đó đã giúp các nước khu vực châu Âu tăng cường hoạt động mặc dù thị trường trong chính khu vực vẫn trì trệ.
Năm 2019, các công ty BASF và Bayer của Đức là các công ty hóa chất đạt doanh thu hàng đầu trên thế giới, tiếp theo sau là các công ty Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tuy là những khu vực xuất khẩu hóa chất truyền thống, từ năm 2014 xuất khẩu hóa chất của châu Âu và Mỹ đã ngày càng giảm. Khi các luật bảo vệ môi trường tại hai khu vực này trở nên chặt chẽ hơn và chi phí xây dựng nhà máy tăng, vị thế chi phối của công nghiệp hóa chất đã dần dịch chuyển sang châu á và Trung Đông.
Trong năm 2019, công nghiệp hóa chất thế giới đã tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm, như đã được dự báo trước đó. Công nghiệp hóa chất châu Âu tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của những quy định luật pháp chặt chẽ và sự suy yếu của Liên minh Châu Âu. Mặc dù vậy, Đức đã chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách các nước sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, tiếp theo sau là Mỹ và Nhật Bản. ấn Độ cũng nổi lên như một trong những quốc gia xuất khẩu hóa chất hàng đầu.
Những thách thức trong năm 2020
Sang năm 2020, nhu cầu hóa chất được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống như đã diễn ra trong năm trước. Xu hướng tăng trưởng chậm của sản xuất hóa chất trong năm 2019 cũng có khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2020.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng chậm hiện nay trong công nghiệp hóa chất là chi tiêu thấp hơn của người tiêu dùng. Mặt khác, phong trào hoạt động tích cực vì môi trường xanh cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và sản xuất hóa chất. Ngày nay, khắp nơi chúng ta đều thấy những biểu ngữ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh, không chất dẻo. Nhiều quốc gia cấm sử dụng các loại chất dẻo như túi và chai đựng nước dùng một lần, các phương án thay thế đang được tìm kiếm. ở đây, các nhà sản xuất hóa chất có thể nâng cấp hoạt động của mình bằng cách sản xuất những sản phẩm có thể phân hủy sinh học với giá thành hợp lý.
Chiến tranh thương mại đã bắt đầu giữa các quốc gia sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới cũng đang lan truyền ngày càng nhiều tác động bất lợi. Sau khi Mỹ áp thuế lên hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế lên hóa chất và chất dẻo sản xuất tại Mỹ. Kết quả là xuất khẩu của Mỹ đã giảm 24%. Tình hình này thúc đẩy nhiều nhà sản xuất đã thiết lập cơ sở sản xuất ở Mỹ hoặc Trung Quốc phải tìm cách rời đi.
Ngoài nhu cầu của thị trường, các rào cản về quy định pháp lý, tình trạng dao động giá nguyên liệu và các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng là những yếu tố lớn ảnh hưởng đến công nghiệp hóa chất trong thời gian tới.
Hơn nữa, một trong những yếu tố bất ngờ nhất ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu trong thời gian gần đây là phong trào dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên, ví dụ như kế hoạch “Made in China 2025”, trong đó các công ty quốc tế bị đẩy ra rìa.
Triển vọng phát triển
Bất chấp những thách thức đã hình thành trong năm 2019, công nghiệp hóa chất vẫn tiếp tục là ngành cung cấp nguyên liệu, hợp chất hoặc sản phẩm cơ bản cho nhiều ngành kinh tế khác như dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất xe ôtô, xây dựng,… Vì vậy, ngành hóa chất sẽ tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với những đổi mới thường xuyên về công nghệ và sản phẩm.
Sau những chặng đường phát triển dài, cho đến nay công nghiệp hóa chất đã trở thành một lĩnh vực công nghệ tiên tiến với nhiều sản phẩm đa dạng. Đối với quá trình phát triển tiếp trong tương lai, nghiên cứu đổi mới và triển khai có ý nghĩa quan trọng thiết yếu. Đó chính là yếu tố hàng đầu giúp một số công ty có lợi thế hơn các công ty khác.
Đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng cũng đang trải qua nhiều thay đổi trên toàn cầu. Đây là thời kỳ của thế hệ Millennial lớn lên cùng phương tiện truyền thông xã hội với những thông tin tức thời. Ngày nay, phương tiện truyền thông xã hội là một trong những phương thức tiếp cận thông tin thuận tiện nhất và cũng được coi như yêu cầu bắt buộc đối với công nghiệp hóa chất.
Trong năm 2020, xu hướng đổi mới trong công nghiệp hóa chất sẽ tiếp tục. Nhiều thị trường hóa chất đã trở nên chín muồi và đồng thời cũng trở thành trì trệ, ngăn cản sự phát triển tiếp. Nếu không đổi mới sản phẩm và khai thác các thị trường mới, công nghiệp hóa chất khó có thể vượt qua những thách thức để có thể tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
HS (Theo Industry Global News)